Chân kính đồng hồ trong tiếng Anh là Jewel, là một bộ phận rất quan trọng của máy đồng hồ ra đời vào thế kỷ 18. Không như các bộ phận khác của bộ máy, chân kính đồng hồ được làm từ các loại ngọc, đá … đó là lý do vì sao nó có tên là Jewel và mục đích sự có mặt của chúng là tăng độ bền cho đồng hồ.
CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ – JEWEL LÀ GÌ, TÁC DỤNG, MỨC ĐỘ CẦN THIẾT CỦA CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ
Chân kính đồng hồ hay còn gọi là Jewel, là một bộ phận màu hồng đỏ bóng bẩy trong suốt có mặt trong các bộ máy của đồng hồ bất kể là máy cơ hay hay pin được Nicolas Fatio de Duillier, Pierre, Jacob Debaufre phát minh vào năm 1702/1704.
Thời điểm này đồng hồ cơ đã có độ phổ biến cao, khi nhược điểm chung là bộ máy của chúng dễ bị mài mòn do các bộ phận kim loại ma sát được phát hiện thì chân kính đồng hồ bắt đầu đưa vào sử dụng. Chân kính đồng hồ được làm từ các loại vật liệu có độ cứng cao, ít bị mài mòn có tác dụng chủ yếu là giảm ma sát để tăng độ bền cho bộ máy đồng hồ.
Ngày nay, chân kính được dùng chủ yếu trên đồng hồ cơ và số ít đồng hồ pin cao cấp của Thụy Sĩ, Đức. Dựa vào lý thuyết tăng độ bền, theo dòng thời gian, số lượng chân kính đồng hồ tăng dần và đã có một cuộc tranh cãi xảy ra về số lượng cần thiết trên một chiếc đồng hồ.
Đến thời điểm hiện tại, cuộc tranh cãi này cũng đã đến hồi kết và chân kính trên đồng hồ thật sự rất cần thiết, đặc biệt là đồng hồ cơ tự động, đồng hồ cơ có tính năng phức tạp nhưng tuyệt đối không phải là có càng nhiều càng tốt.
Tính trung bình, số lượng chân kính đồng hồ cần thiết/tối thiểu trên đồng hồ lên dây cót thường là 17, trên đồng hồ tự động là 21 và nên có trên đồng hồ pin là 4. Tùy theo cấu tạo, tính năng, cơ chế của bộ máy mà có số lượng phù hợp.
CỤ THỂ HƠN VỀ CÔNG DỤNG CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ
Nhiều chân kính đồng hồ có phải chỉ để cho đẹp thôi không?
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chân kính đồng hồ được dùng để trang trí cho bộ máy hoặc tăng giá trị của đồng hồ như tên gọi Jewel của nó. Mặc dù đây là một suy nghĩ đúng đắn nhưng công dụng này không quan trọng bằng hai công dụng tăng độ bền và độ chính xác.
5 công dụng của chân kính đồng hồ:
ɵ Giảm đi sự ma sát giữa các chuyển động để tăng độ chính xác (ở mức độ vừa phải)
ɵ Hệ quả của giảm đi ma sát chính là tăng tuổi thọ của các bộ phận bị lực tác động giúp đồng hồ bền hơn (rất đáng kể)
ɵ Chống sốc để tăng độ bền cho các chân kính đồng hồ khác (ở mức độ vừa phải)
ɵ Trang trí cho bộ máy của đồng hồ (rất đáng kể)
ɵ Tăng giá trị cho đồng hồ (không đáng kể đến rất đáng kể tùy theo vật liệu làm chân kính)
VÌ SAO GỌI LÀ CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ?
Từ gốc Jewel có nghĩa là đá quý, được dùng để nhắc đến nguồn gốc vật liệu đồng thời ám chỉ chân kính đồng hồ là một bộ phận tuyệt đẹp và khá có giá trị, trang trí và tăng đẳng cấp của đồng hồ.
Còn từ chân kính lại có xuất phát từ Trung Quốc, có nghĩa là chân bằng kính, trong đó chân là chân/giá đỡ (nhưng thực ra không hẳn chân kính đều nằm ở phần chân) trong khi kính để ám chỉ sự trong suốt. Từ ngữ này đã du nhập vào Việt Nam trong thời kỳ chúng ta vẫn thường dùng từ Hán-Việt lấy từ phiên âm tiếng nước ngoài của Trung Quốc.
CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ ĐƯỢC LÀM TỪ CHẤT LIỆU GÌ
Hơn 400 năm trôi qua, rất nhiều vật liệu đã được dùng để chân kính làm từ kim cương, đá quý, đá Sapphire, ngọc thạch lựu, ruby, thạch anh, … chúng đều là những vật liệu có độ mài mòn thấp, độ cứng cao, trơn trượt khi tiếp xúc lẫn nhau và tiếp xúc với các bộ phận kim loại trong máy đồng hồ chính hãng của các thương hiệu có uy tín.
Hiện nay chân kính đồng hồ có thể làm bằng saphire, Ruby, thậm chí là kim cương.
Tùy theo đẳng cấp của thương hiệu cùng chiếc đồng hồ mà người ta chọn loại tương ứng nhưng sau tất cả, phần lớn đều không quá đắt. Từ 1900 đến nay, nhiều loại vật liệu trên chỉ còn xuất hiện trên các mẫu đồng hồ đắt tiền còn phần lớn đồng hồ đều dùng Sapphire tổng hợp và Ruby nhân tạo do Auguste Verneuil phát minh.
Hiện nay có nhiều thương hiệu, nhà sản xuất đồng hồ rẻ tiền, đồ giả, đồ nhái, … đã dùng đến cả thủy tinh pha màu để làm chân kính. Thủy tinh có độ cứng thấp, dễ bị mài mòn khiến cho tác dụng duy trì độ bền rất hời hợt, chủ yếu để làm cho có “số lượng” bằng chị bằng em, cho “đẹp” là chính.
CÓ BAO NHIÊU LOẠI CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ
Chân kính đồng hồ – Jewel được tiện, cắt gọt, đánh bóng, khoan lỗ, khoét trũng,… tùy theo loại mà được gia công tương ứng nhưng thường khá nhỏ, to nhất là chân kính đầu trục bánh lắc lo xo cùng hiếm khi quá 2mm.
Các loại chân kính đồng hồ
Các loại chân kính đồng hồ cụ thể:
1) Chân kính tròn có lỗ xuyên tâm (Hole Jewels): Jewel hình tròn, dẹt, ở giữa được khoan lỗ, loại này được dùng để gắn vào các trục bánh răng xoay có vận tốc quay nhỏ, không yêu cầu cao lắm về độ sai số và độ chịu lực tác động từ các phương vuông góc với trục quay. Kích thước lỗ khoan tùy theo kích thước trục.
2) Chân kính tròn không có lỗ xuyên tâm (Cap Jewels): (còn gọi là chân kính mũ), Jewel có hình tròn, dẹt, ở giữa không khoan lỗ xuyên tâm hoặc không có lỗ, thường được đặt áp vào 2 đầu trục quay có yêu cầu cao về độ sai số, có vận tốc quay lớn, chịu ảnh hưởng nhiều bởi lực tác động dọc trục.
3) Chân kính dạng phiến, vuông chữ nhật (Pallet Jewels): là loại Jewel có hình viên gạch được gắn trên những điểm bị tác động, va đập theo chiều ngang như như hai đầu ngựa, trượt cò khoá, bánh thoát (còn gọi bánh xe gai).
4) Chân kính dạng con lăn (Roller Jewels): có hình dạng hình trụ, chỉ được gắn trên bệ bánh lắc để ngựa “đá”, điểm bị tác động va đập kiểu trượt (chiều ngang).
5) Chân kính bảo vệ sốc (Shock Protection Jewels): không có hình dạng cụ thể, đây là một tổ hợp chân kính đồng hồ ngăn không cho làm vỡ chân kính cần bảo vệ khi đồng hồ bị chấn động mạnh.
VỊ TRÍ CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ TRONG CƠ CẤU HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY
Sơ đồ thể hiện vị trí của các loại chân kính trong cơ cấu hoạt động
Hình số 1: có 7 loại 1, loại 2, loại 3, loại 4. Cả phía trên và phía dưới của bánh lắc tổng cộng là 4, ngựa có 3.
Hình số 2: có 8 loại 1 và 2 hiện diện trên các trục xoay
Hình số 3: có 2 loại 1 trên hai đầu bánh răng trung tâm
Hình số 4: từ 2-4 loại 1 và loại 2 để có tổng cộng 19-21
VỊ TRÍ CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ TRONG CƠ CẤU BẢO VỆ BỘ MÁY
Sơ đồ thể hiện vị trí của loại 5 trong cơ cấu chống sốc Incabloc (phổ biến trong máy ETA)
HIỂU ĐÚNG VỀ CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ
Ở trên chúng ta đã nhắc đến cuộc tranh cãi diễn ra về sự cần thiết của chân kính trong đồng hồ khi sự lạm dụng số lượng đã tăng vùn vụt lên những con số khủng trong vòng 150 năm qua đến mức thừa thải. Như vậy, số dư ra chỉ có thể là dùng để trang trí, tăng giá trị của chiếc đồng hồ là chính.
Chân kính đồng hồ trong bộ máy đồng hồ tự động Alange & Sohne.
Nói chính xác, chân kính đồng hồ chỉ cần thiết ở những nơi xảy ra sự ma sát, tác động của lực, tuyệt đối không phải là càng nhiều thì càng tốt, độ chính xác và độ bền của đồng hồ chỉ có thể tăng hết mức với số chân kính tối đa:
– 4 chân kính cho đồng hồ pin với mặt hiển thị kim
– 6-7 cho đồng hồ pin với mặt hiển thị kim nhiều chức năng
– 17 cho đồng hồ cơ lên dây cót
– 21 cho đồng hồ cơ tự động
– 23 cho đồng hồ cơ có hai trống dự trữ năng lượng
– 25-27 cho đồng hồ cơ đa năng
– Có thể hơn 40 chân kính cho những chiếc đồng hồ cực kỳ phức tạp
NHIỀU CHÂN KÍNH ĐỒNG HỒ CÓ PHẢI LÀ TỐT KHÔNG?
Để tránh chân kính đồng hồ bị lạm dụng vào những mục đích không liên quan đến các chức năng của đồng hồ, năm 1974 Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) đã phối hợp với tổ chức tiêu chuẩn công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ (NIHS) công bố tiêu chuẩn ISO 1112.
Một cỗ máy cực kì nhiều chân kính đồng hồ, nhưng không chiếc nào là thừa cả.
Tiêu chuẩn này nghiêm cấm các nhà sản xuất, thương hiệu quảng cáo chân kính đồng hồ không có tính năng. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp lách luật bằng cách tăng số lượng loại 1, loại 2 vào những nơi cần lắp chân kính.
Dĩ nhiên, lách luật tăng số lượng như thế này chưa bao giờ được chứng minh rõ ràng là tăng độ bền hay độ chính xác. Bạn hãy cân nhắc khi cảm thấy đồng hồ quá đắt vì dư thừa chân kính đồng hồ hơn số lượng tối đa nhé!